Hội viên chính thức

English

Điều Lệ Hội


ĐIỀU LỆ

LIÊN CHI HỘI PHẪU THUẬT THẨM MỸ TP. HỒ CHÍ MINH

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 89/2020-HYH/QĐ, ngày 29 tháng 12 năm 2020 của Hội Y Học TP.HCM)

CHƯƠNG I:

TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH, LĨNH VỰC VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG

 

ĐIỀU 1. Hội lấy tên là:

     LIÊN CHI HỘI PHẪU THUẬT THẨM MỸ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1.1. Tên viết tắt tiếng Việt: LCHPTTM TP.HCM

1.2. Tên nước ngoài: Ho Chi Minh City Society of Aesthetic Plastic Surgery

1.3. Tên viết tắt tiếng Anh:  HSAPS

 

ĐIỀU 2. Liên chi Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP. Hồ Chí Minh là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của những bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành khác trên cả nước.

 

ĐIỀU 3. Liên chi Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ thành phố Hồ Chí Minh là thành viên Hội Y Học TP.HCM, có trụ sở tại TP.HCM và chấp hành điều lệ của Hội Y học.

 

ĐIỀU 4. MỤC ĐÍCH CỦA LIÊN CHI HỘI PHẪU THUẬT THẨM MỸ LÀ:

4.1. Thực hiện sự tự quản lý việc hành nghề đúng theo chuẩn mực đạo đức của thầy thuốc, tuân thủ các quy định tại điều lệ hội về hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.

4.2. Bảo vệ danh dự và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên của hội.

4.3. Thực hiện việc đào tạo chuyên sâu liên tục, cập nhật các kiến thức, kỹ năng y khoa hiện đại để việc hành nghề ngày càng có chất lượng.

4.4. Tham gia xây dựng và phát triển khoa học công nghệ trong ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

 

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI

ĐIỀU 5. NHIỆM VỤ CỦA HỘI

5.1. Hướng dẫn hội viên thực hiện tốt quy định của Pháp luật và Điều lệ Hội.

5.2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội, đảm bảo thi hành đúng các quy chế, luật pháp nhà nước đối với việc hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước.

5.3. Tổ chức thực hiện và khuyến khích hội viên tham gia các hoạt động khoa học về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, không ngừng nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giữ gìn và phát huy đạo đức nghề nghiệp góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín của bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cũng như uy tín của ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trong xã hội.

5.4. Hỗ trợ việc quản lý của ngành Y tế qua việc tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách về công cuộc chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Cử cán bộ tham gia vào các Hội đồng Tư vấn của Sở Y tế trong xét cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ khi có đề nghị của các Sở Y tế.

5.5. Khuyến khích sự hợp tác của nhiều chuyên ngành hoặc cùng ngành, tăng cường trang bị hiện đại cần thiết, để có thể làm cho ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ ngày càng phát triển hơn.

5.6. Thiết lập các mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, hội nhập với các Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ trên thế giới để cập nhật thông tin, trao đổi kiến thức, phát triển khả năng chuyên môn.

 

ĐIỀU 6. LIÊN CHI HỘI PHẪU THUẬT THẨM MỸ TP. HCM CÓ QUYỀN

6.1. Bảo vệ những quyền lợi chính đáng của Hội và Hội viên trong khuôn khổ luật pháp quy định về hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

6.2. Đại diện cho các hội viên trước các Hội đồng của Liên chi Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ, Hội đồng Khoa học Kỹ thuật của Hội Y Học TP.HCM và trước pháp luật khi có yêu cầu, đối với những vấn đề về hành nghề hay về quyền lợi thuộc lĩnh vực mà hội viên đó có trách nhiệm hay đáng được thụ hưởng.

6.3. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động các dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.

6.4. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

6.5. Hòa giải các bất đồng giữa hội viên trong phạm vi điều lệ hội.

6.6. Xử lý và quyết định kỷ luật đối với hội viên có hành động sai trái, vi phạm điều lệ hay các quy chế hành nghề của nhà nước.

 

CHƯƠNG III

HỘI VIÊN

ĐIỀU 7:   HỘI VIÊN LIÊN CHI HỘI PHẪU THUẬT THẨM MỸ

Những người có đủ tiêu chuẩn sau đây, tự nguyện xin tham gia hoạt động Hội có thể được công nhận là Hội viên Liên chi Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP. HCM:

7.1. Hội viên chính thức: Hội đủ một trong hai điều kiện sau:

7.1.1. Là bác sĩ Việt Nam có Giấy phép hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ do Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp, hiện đang làm việc hoặc nghỉ hưu tại TP.HCM.

7.1.2. Là bác sĩ Việt Nam có giấy chứng nhận đã được đào tạo chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (thời gian được đào tạo tối thiểu là tám (08) tháng) hiện đang làm việc tại các Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện (có xác nhận của Bệnh viện) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều kiện kết nạp Hội viên chính thức:

- Đáp ứng một trong hai điều kiện 7.1.1 hoặc 7.1.2.

- Và có đủ hai hội viên chính thức giới thiệu.

7.2. Hội viên liên kết:

7.2.1. Là bác sĩ Việt Nam đáp ứng một trong hai điều kiện 7.1.1 hoặc 7.1.2. nhưng hiện đang làm việc hoặc nghỉ hưu tại các tỉnh thành khác.

7.2.2. Là bác sĩ Việt Nam có chứng chỉ đào tạo về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (thời gian được đào tạo tối thiểu là tám (08) tháng), hay có các công trình đã báo cáo, bài báo đã được đăng liên quan đến phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, nhưng chưa đáp ứng một trong hai điều kiện 7.1.1 hoặc 7.1.2.

7.2.3. Là bác sĩ Việt Nam ở những khoa lân cận có liên quan đến phẫu thuật tạo hình như: Khoa Tai mũi họng, khoa ngoại, khoa phẫu thuật hàm mặt, khoa mắt, khoa bỏng, khoa da liễu…

7.3. Hội viên danh dự:

Là người có chuyên môn hoặc không chuyên môn bác sĩ, các chuyên gia ngành y hoặc các ngành khác có quan tâm hoạt động hội. Tình nguyện hỗ trợ hội về vật chất và tinh thần được BCH hội chấp thuận kết nạp hội viên danh dự.

 

ĐIỀU 8.  NHIỆM VỤ CỦA HỘI VIÊN:

8.1. Chấp hành điều lệ của Liên chi Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của BCH các cấp của Hội.

8.2. Giữ vững và bảo vệ đoàn kết trong Hội, tích cực tham gia học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, trao dồi kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp theo đúng pháp luật đã quy định trong hành nghề. Đấu tranh chống những tư tưởng và hành động có hại đến nhiệm vụ, uy tín và danh dự của Hội và của ngành nghề.

8.3.Tham gia mọi sinh hoạt trong Hội, tích cực đóng góp vào việc xây dựng và phát triển Hội.

8.4. Đóng góp hội phí hàng năm theo quy định.

 

ĐIỀU 9. QUYỀN LỢI CỦA HỘI VIÊN

9.1. Tất cả hội viên đều có quyền tham gia công tác Hội, được thảo luận và biểu quyết mọi công việc của Hội. Chỉ có hội viên chính thức mới có quyền tham gia bầu cử (đề cử, ứng cử) vào Ban Chấp hành hội và Ban kiếm tra hội.

9.2. Được thông tin bồi dưỡng kiến thức về chính trị và chuyên môn; được khuyến khích phát huy năng lực về mọi mặt; được tạo điều kiện để phát triển khả năng.

9.3. Được tham gia báo cáo các đề tài nghiên cứu khoa học của mình trong các buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật; được giới thiệu đăng các bài viết và các công trình nghiên cứu của mình vào các tạp chí khoa học trong hệ thống y học; được công nhận và bảo vệ quyền tác giả, sáng chế, được tổ chức Hội nhận xét về các công trình, công tác của mình khi cần thiết, được chọn lọc để đề nghị khen thưởng.

9.4. Được giới thiệu với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp chứng chỉ hành nghề.

9.5. Được bảo vệ quyền lợi chính đáng và danh dự của mình trước pháp luật và công luận.

9.6. Được hưởng mọi quyền lợi khác do tổ chức Hội quy định.

 

ĐIỀU 10. THỦ TỤC, THẨM QUYỀN KẾT NẠP HỘI VIÊN, THỦ TỤC RA KHỎI HỘI VÀ KHAI TRỪ TƯ CÁCH HỘI VIÊN

10.1. Thủ tục vào Hội: Những người đạt tiêu chuẩn hội viên quy định tại khoản 7.1, 7.2, 7.3, 7.4 của Điều 7, nộp đơn xin gia nhập Hội.

10.2. Thẩm quyền kết nạp hội viên: Ban chấp hành Hội mới có thẩm quyền xét kết nạp hội viên.

10.3. Thủ tục ra Hội: Khi xét thấy không thể tiếp tục là hội viên, hội viên cần nộp đơn nêu rõ lý do xin ra khỏi Hội và được Ban chấp hành Hội chấp thuận.

10.4. Thủ tục khai trừ tư cách hội viên: Hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm điều lệ hội sẽ được Ban pháp chế xem xét đề nghị Ban chấp hành ra quyết định khai trừ hội viên.

 

CHƯƠNG IV:

NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

ĐIỀU 11. Liên chi Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM hoạt động theo đúng điều lệ của Hội và của Hội Y học TP.HCM, tuân thủ Luật pháp Nhà nước Việt Nam về hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

 

ĐIỀU 12. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên chi Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM là Đại hội Đại biểu của Hội, họp thường lệ 5 (năm) năm một lần. Đại hội họp bất thường khi có trên 50% số Ủy viên Ban Chấp Hành (BCH) yêu cầu. Số đại biểu tham dự Đại Hội do BCH Hội qui định.

 

ĐIỀU 13. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CỦA LIÊN CHI HỘI PHẪU THUẬT THẨM MỸ TP. HCM CÓ NHIỆM VỤ:

13.1. Thông qua báo cáo của BCH, quyết định đường lối và phương hướng hoạt động của Hội.

13.2. Thảo luận và biểu quyết việc sửa đổi (nếu có) điều lệ của Hội.

13.3. Bầu ra BCH nhiệm kỳ mới của Hội theo phương thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết giơ tay tùy theo Đại hội quyết định.

13.4. Ban chấp hành trực tiếp bầu Chủ tịch, Tổng Thư ký và Trưởng Ban Kiểm tra.

13.5. Phân công Ban Thường vụ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và Trưởng Ban Kiểm tra.

13.6. Ban Thường vụ đề cử, Chủ tịch bổ nhiệm nhân sự cho khối Văn phòng Hội.

 

ĐIỀU 14.  BAN CHẤP HÀNH (BCH) CỦA HỘI

14.1. Nhiệm kỳ của BCH hội là 5 (năm) năm.

14.2. BCH hội thường lệ họp 3 tháng một lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu của 1/3 uỷ viên Ban Thường vụ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ủy viên BCH.

14.3. BCH có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại hội Đại biểu của Hội, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Hội giữa 2 kỳ Đại hội và quyết định cơ cấu tổ chức của BCH Hội.

14.4. Khi xét thấy cần thiết, BCH với sự nhất trí của ít nhất trên 50% tổng số ủy viên có thể quyết định bổ sung hay miễn nhiệm ủy viên BCH của Hội; giải thể hoặc xóa tên một tổ chức thành viên của Hội.

14.5. Trong những trường hợp đặc biệt, không thể tổ chức họp đa số ủy viên, thì có thể tổ chức lấy ý kiến bằng thư, tin nhắn hay Email nhưng phải có đủ chữ ký đồng ý của ít nhất 1/2 tổng số Ủy viên BCH hoặc Ban Thường vụ để  Ban Thường vụ hay BCH thông qua.

 

ĐIỀU 15. BAN THƯỜNG VỤ HỘI

15.1. Ban Thường vụ là cơ quan chỉ đạo của Hội giữa 2 kỳ họp của BCH và hoạt động theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Ban Thường vụ họp thường lệ mỗi 2 tháng một lần. Trong trường hợp cần thiết, Chủ Tịch có quyền triệu tập hội nghị bất thường của Ban Thường vụ.

15.2. Trong Ban Thường vụ, Chủ tịch trực tiếp đề cử các Phó Chủ tịch, các Cố vấn về từng vấn đề và Phó Tổng Thư ký để Ban Thường vụ thông qua.

15.3. Ban Thường vụ sinh hoạt 2 tháng một lần nghe Ban Thư ký báo cáo tình hình hoạt động của hội, thảo luận kế hoạch sắp tới trước khi giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban thư ký.

 

ĐIỀU 16. NGUYÊN TẮC BIỂU QUYẾT

BCH hoặc Ban Thường vụ biểu quyết theo nguyên tắc đa số, trên 50% số có mặt. Nghị quyết của BCH hay Ban Thường vụ chỉ có giá trị khi được thông qua trong các phiên họp (bằng cách trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc email/nhóm Zalo/Viber/Messenger) với sự tham gia của tối thiểu trên 1/2 tổng số ủy viên.

 

ĐIỀU 17. TỔ CHỨC LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN

17.1. Chủ Tịch có nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Hội suốt cả nhiệm kỳ của BCH, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của BCH và Ban Thường vụ, đề xuất những định hướng có tính chiến lược cho sự phát triển của Hội; quyết định các vấn đề đã được tập thể nhất trí thông qua. 

17.2. Phó chủ tịch thường trực (hay Phó Chủ Tịch thứ nhất) là người thay thế chủ tịch khi vắng mặt. 

17.3. Các Phó Chủ Tịch có trách nhiệm giúp Chủ Tịch trong mọi mặt công tác theo sự phân công.

17.4. Các Ủy viên Ban Thường vụ được phân công phụ trách các Ban chuyên môn.

17.5. Tổng Thư Ký trong Ban Thường vụ, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động của Hội theo chủ trương và kế hoạch đã được BCH hoặc Ban Thường vụ đề ra; có quyền đề nghị Ban thường vụ xem xét bổ nhiệm, phân công chức vụ các thành viên Ban thư ký; có trách nhiệm quản lý và điều hành các công việc thường xuyên của Hội; Theo dõi tổng hợp tình hình hoạt động của Hội và các tổ chức thành viên, báo cáo định kỳ cho Chủ Tịch, Ban Thường vụ và BCH Hội và là người thay thế Chủ tịch khi vắng mặt, sau Phó chủ tịch thường trực.

17.6. Giúp việc cho Tổng Thư Ký có Ban Thư ký, mà thành viên là từ mỗi Ban cử ra một thành viên; và Văn phòng Hội gồm văn thư, kế toán, thông tin truyền thông, thống kê, hậu cần, do thành viên BCH phụ trách hoặc tuyển dụng.

17.7. Giúp việc cho Ban Thường vụ có 7 ban: Ban Thư ký - Thông tin truyền thông; Ban đối nội - Khoa học Kỹ thuật và Đào tạo; Ban Đối ngoại; Ban Kế hoạch Tài chính - Kinh tế - Hậu cần; Ban Pháp chế - Tổ chức khen thưởng - Kỷ luật; Ban Kiểm tra; Ban Quan hệ xã hội - Từ thiện.

17.8. Khi khuyết Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng thư ký hoặc uỷ viên Thường vụ, BCH cử bổ sung trong số ủy viên BCH với sự chấp thuận của Hội Y Học TP. Hồ Chí Minh.

 

ĐIỀU 18. CHÍN BAN CHUYÊN TRÁCH VÀ KHỐI VĂN PHÒNG HỘI

18.1. Ban Thư ký:

Gồm Trưởng ban, các phó ban và các Uỷ viên.

18.1.1. Giám sát toàn bộ hoạt động của các Ban chuyên trách.

18.1.2. Lập kế hoạch hoạt động hàng quý, hàng năm cho toàn BCH Hội. Giám sát, đôn đốc, nhắc nhỡ các Ban chuyên trách thực hiện đúng kế hoạch, bám sát chức năng, nhiệm vụ của từng ban.

18.1.3. Giám sát việc quảng cáo của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài Hội, đề xuất các biện pháp can thiệp đối với các quảng cáo quá sự thật những vấn đề liên quan thẩm mỹ, sức khỏe thẩm mỹ.

18.1.4. Báo cáo tình hình hoạt động của Ban Thư ký hàng 2 tháng cho Chủ tịch.

 

18.2. Ban đối nội:

Gồm Trưởng ban, các phó ban và các Uỷ viên.

18.2.1. Vận động các cá nhân, tổ chức tham gia Hội.

18.2.2. Nghiên cứu đề xuất kế hoạch khai thác tiềm năng, hợp tác với Hội viên.

18.2.3. Vận động sự đóng góp về kiến thức, kỷ năng và tài chánh của Hội viên.

 

18.3. Ban Khoa học:

Gồm Trưởng ban, các phó ban và các Uỷ viên.

18.3.1. Tham vấn, cố vấn khoa học công nghệ cho Hội viên.

18.3.2. Tham gia tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên ngành, nhằm đào tạo liên tục và cập nhật kiến thức.

18.3.3. Khi có yêu cầu của Sở y tế, đề cử cán bộ của các chuyên khoa tương ứng tham gia vào các Hội đồng tư vấn, nhận xét khả năng chuyên môn đối với các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ trong nước cũng như các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ từ nước ngoài đến, theo mục 4 Điều 5 Chương II.

18.3.4. Khi cần, tổ chức các Hội Đồng Khoa Học Công Nghệ để xem xét về một vấn đề chuyên môn kỷ thuật, các chuyên gia uy tín từ các hội chuyên ngành của Hội Y Học Thành Phố được mời tham dự tuỳ theo từng vụ việc.

 

18.4. Ban Đào Tạo:

Gồm Trưởng ban, các Phó ban và các Uỷ viên.

18.4.1. Tham vấn, cố vấn, tổ chức các khóa đào tạo cho Hội viên.

 

18.4.2. Phối hợp với các bệnh viện, các hội chuyên ngành và các trường đại học, tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo liên tục, bồi dưỡng cập nhật kiến thức kịp thời nhằm nâng cao trình độ về các chuyên khoa cho các hội viên.

18.4.3. Kết hợp các Hội nghị khoa học, đồng tổ chức các lớp đào tạo liên tục, cấp CME cho hội viên.

18.4.4. Liên kết tổ chức hoặc đề xuất Hội tổ chức các khóa huấn luyện ngắn hạn, trung hạn, dài hạn nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho Hội viên.

 

18.5. Ban Đối ngoại:

Gồm Trưởng ban, các phó ban và các Uỷ viên.

18.5.1. Nghiên cứu đề xuất kế hoạch hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

18.5.2. Đại diện Hội giao lưu, đặt quan hệ ngoại giao, hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

18.5.3. Vận động sự đóng góp về kiến thức kỷ năng và tài chánh của các cá nhân, tổ chức ngoài nước.

18.5.4. Kêu gọi nguồn tài trợ, hợp tác từ các cá nhân, tổ chức ngoài nước.

18.5.5. Kêu gọi Hội viên tham gia các lớp học, tập huấn về chuyên môn, công nghệ mới được tổ chức ở nước ngoài.

 

18.6. Ban Kế hoạch Tài chính - Kinh tế - Hậu cần:

Gồm Trưởng ban, các phó ban và các Uỷ viên.

18.6.1. Xây dựng các hoạt động nhằm gây quỹ, tạo kinh phí cho Hội hoạt động.

14.6.2. Thực hiện các dịch vụ của Hội theo luật pháp cho phép để có thể tạo đủ điều kiện vật chất, tài chính để đảm bảo kinh phí hoạt động và phát triển hội.

18.6.3. Gây quỹ, tạo kinh phí cho Hội hoạt động.

18.6.4.Tham gia, kiểm tra các hoạt động kinh tế tài chánh cùng các hoạt động khác của Hội và các tổ chức trực thuộc theo các quy định của nhà nước về tài chính và nghĩa vụ thuế.

18.6.5. Thực hiện các dịch vụ của hội theo luật pháp cho phép để có thể tạo đủ điều kiện vật chất hoạt động và phát triển hội.

18.6.6.  Kiểm toán nội bộ.

 

18.7. Ban Pháp chế - Tổ chức khen thưởng - Kỷ luật:

Gồm Trưởng ban, các phó ban và các Uỷ viên.

18.7.1.  Pháp lý và Tư vấn:

18.7.1.1. Tổ chức giúp đỡ việc tự quản lý hành nghề theo luật pháp quy định của các tổ chức thành viên ở quận/huyện và bệnh viện.

18.7.1.2. Tổ chức thực hiện, hỗ trợ và tư vấn cho các cá nhân và các tổ chức thành viên hành nghề đúng luật pháp của nhà nước.

18.7.1.3. Nghiên cứu bảo vệ các quyền lợi chính đáng của hội viên hay thành viên trước các Hội Đồng xét xử của Liên chi Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM.

18.7.1.4. Tổ chức tham vấn, cố vấn về pháp luật cho Hội, cùng tham gia tích cực xây dựng dự thảo qui chế Luật của người hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.

18.7.1.5. Xem xét giải quyết các đơn khiếu tố liên quan đến hành nghề của hội viên.

18.7.2. Khen thưởng và kỷ luật của Hội:

18.7.2.1. Thường kỳ hay đột xuất đề nghị khen thưởng và thông tin trên báo các gương tốt đáng tôn vinh trân trọng của hội.

18.7.2.2. Khi cần, thành lập “Hội đồng khen thưởng hay Hội đồng kỷ luật, để xem xét các thành tích hay các vi phạm của chuyên ngành nào thì mời các chuyên viên của chuyên ngành đó tham dự Hội đồng, các vi phạm vượt khuôn khổ hành nghề của Hội được xử lý theo quy định khen thưởng, kỷ luật của cơ quan chức năng theo đúng pháp luật của nhà nước.

18.7.2.3. Đề xuất khen thưởng, kỷ luật các cấp đối với cá nhân, tập thể của Hội.

 

18.8. Ban Kiểm Tra:

Gồm Trưởng ban, các phó ban và các Uỷ viên.

18.8.1. Ban kiểm tra giúp BCH Hội kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ, Nghị quyết và các hoạt động theo quy chế của BCH Hội.

18.8.2. Trưởng ban kiểm tra là người chỉ đạo, điều hành hoạt động của ban kiểm tra và chịu trách nhiệm trước BCH Hội.

18.8.3. Thực hiện việc kiểm tra thường kỳ hay đột xuất theo hệ thống, đảm bảo tính trong sáng trong sự tự quản hành nghề, bảo vệ danh dự của nghề nghiệp, nhắc nhở nhau tôn trọng ranh giới của các chuyên ngành. 

18.8.4. Kiểm tra khi có dấu hiệu thành viên của hội không thực hiện đúng các quy định của pháp luật cho người hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, hay có dấu hiệu vi phạm điều lệ Hội. Thay mặt Hội thực hiện công tác kiểm tra và phối hợp khi phải thực hiện điều này ngoài tổ chức của Hội, do yêu cầu hay sự uỷ quyền của Sở Y Tế đối với Hội.

18.8.5. Kiểm tra tư cách Đại biểu tại các kỳ Đại hội đại biểu của Hội.

 

18.9. Ban Quan hệ Xã hội – Từ thiện:

Gồm Trưởng ban, các phó ban và các Uỷ viên.

18.9.1. Ban Quan hệ xã hội – Từ thiện giúp BCH Hội tạo lập, khai thác, các mối quan hệ xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, các cá nhân, doanh nghiệp.

18.9.2. Lập kế hoạch, đế xuất các phương thức làm từ thiện hiệu quả trình BCH xem xét. Kêu gọi, tiếp nhận tài trợ từ hội viên. Tìm nguồn tài trợ từ thiện từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài Hội.

18.9.3. Chăm lo việc lễ lạc, tặng quà, thăm bệnh, cưới hỏi, mừng thọ, tổ chức thăm viếng khi gia đình Hội viên có tang.

18.9.4. Báo cáo hoạt động xã hội, từ thiện, tình hình sử dụng quỹ từ thiện thường kỳ cho BCH hàng 2 tháng một lần.

 

18.10. Khối Văn phòng:

Làm việc tại văn phòng thường trực Hội, gồm Chánh Văn phòng và các nhân viên.

18.10.1. Nơi nhận các thông tin đầu tiên của Hội, cũng là nơi phản hồi các kế hoạch và các chương trình hoạt động của Hội.

18.10.2. Khai thác tiềm năng, lập kế hoạch hợp tác với các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình, internet.

18.10.3. Lập kế hoạch truyền thông – báo chí, chịu trách nhiệm phân công, đôn đốc về việc viết bài đăng báo, tạp chí, chuyên đề, internet.

18.10.4. Tiếp nhận bài viết, phân công duyệt nội dung các bài viết của hội viên.

18.10.5. Quản trị website, lập kế hoạch phát triển website, khai thác tiềm năng, thu hút quảng cáo trên website Hội từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài Hội.

18.10.6. Phân công, đôn đốc việc viết bài đăng trên website Hội. Kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài Hội tham gia cộng tác, viết bài đăng trên website Hội. Tiếp nhận bài viết, phân công duyệt nội dung các bài viết đăng trên website.

18.10.7. Khai thác, trích dẫn các bài viết hay từ các trang báo, tạp chí, truyền hình, internet các vấn đề liên quan thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp, thời trang làm đẹp.

 

CHƯƠNG V

CHIA, TÁCH; SÁP NHẬP; HỢP NHẤT; ĐỔI TÊN VÀ GIẢI THỂ

ĐIỀU 19.

19.1. Việc chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; đổi tên và giải thể Hội thực hiện theo quy định của Hội Y Học TP.HCM, căn cứ Bộ luật Dân sự, quy định của pháp luật về Hội, nghị quyết Đại hội và các quy định pháp luật có liên quan.

 

CHƯƠNG VI

TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH CỦA HỘI

ĐIỀU 20.

20.1. Phần hội phí do các hội thành viên đóng góp, trên cơ sở hội phí của hội viên.

20.2. Phần đóng góp của các hoạt động dịch vụ kinh tế của Hội.

20.3. Nguồn tài trợ của các tổ chức khác.

Tài chính của Hội được quản lý và sử dụng theo quy định của BCH Hội và sự hướng dẫn của cơ quan tài chánh nhà nước.

 

ĐIỀU 21. Trường hợp Hội phải giải thể hay sáp nhập vì bất cứ lý do nào, việc thanh quyết toán tài sản và tài chánh của Hội sẽ do Đại Hội sau cùng của Hội quyết định. Trong trường hợp bất khả kháng, không thể tiến hành Đại Hội, BCH Hội sẽ đề nghị các cấp thẩm quyền cho thanh quyết toán tài sản và tài chánh của Hội trong khuôn khổ luật pháp cho phép.

 

CHƯƠNG VII

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

ĐIỀU 22. Các Hội viên, các tổ chức trực thuộc có nhiều đóng góp và thành tích trong công tác xây dựng và phát triển Hội có thể được khen thưởng hoặc được đề xuất lên các cấp trên khen thưởng.

 

 

ĐIỀU 23.

23.1. Các hội viên vi phạm điều lệ của Hội, hoặc có những hành vi làm tổn hại đến các hoạt động hoặc uy tín của Hội, thì tùy theo mức độ, có thể chịu các hình thức kỷ luật từ phê bình, cảnh cáo hoặc đưa ra khỏi Hội.

23.2 Hội viên không đóng hội phí trong vòng 01 năm hoặc không tham gia sinh hoạt Hội định kỳ 03 kỳ liên tiếp sẽ bị xóa tên khỏi danh sách Hội viên.

 

ĐIỀU 24. Trong phạm vi hành nghề, trên tinh thần tự quản, những sai lầm về chuyên môn về nghĩa vụ cũng như về đạo đức được đưa ra Hội đồng kỷ luật xem xét và có ý kiến đề xuất xử lý.

Các trường hợp nghiêm trọng có thể đưa đến quyết định không còn được công nhận là hội viên.

Các vi phạm vượt ngoài phạm vi của Hội, thuộc các cơ quan chức năng về pháp lý xem xét và quyết định.

 

CHƯƠNG VIII

HIỆU LỰC CỦA ĐIỀU LỆ

ĐIỀU 25.

25.1. Chỉ có Đại hội Đại biểu của Hội mới được quyền thay đổi điều lệ này.

25.2. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội phải được 2/3 số đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội tán thành.

 

ĐIỀU 26:

Bản Điều lệ này gồm 8 chương, 26 điều, có hiệu lực kể từ khi thông qua Hội và được Hội Y học TP.HCM chuẩn y.

 

                                                    TP.HCM, ngày 18 tháng 12 năm 2020

                                                TM. LIÊN CHI HỘI PTTM TP.HCM

                                                     CHỦ TỊCH

  

                                                      PGS TS BS LÊ HÀNH

NXCUONGBS LE VAN SE

© 2011 Bản quyền thuộc HỘI PHẪU THUẬT THẨM MỸ TP. HỒ CHÍ MINH (HSAPS)

Văn phòng: 83 Trần Thiện Chánh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM

Tel: (028) 3862 7474

Hotline: 0937 39 69 62

Email: hoithammy@gmail.com

Thiết kế web bởi Vipcom & HSAPS

Danh mục chính

Lượt truy cập : 0009392

Lượt truy cập: 12911055