PHẪU THUẬT THẨM MỸ VÙNG MẮT
Đối với người Việt Nam, giải phẫu thẩm mỹ tạo hình mắt từ lâu đã là kỹ thuật phổ biến quen thuộc với mục đích cải tạo mắt 1 mí thành 2 mí, hoặc cắt bỏ bớt mỡ và da dư trên mí mắt
Đôi khi những người trẻ tuổi vẫn có hiện tượng mí mắt bụp (mí mắt dày và nặng) do đặc điểm riêng của cơ thể, có tính bẩm sinh, làm mắt kém đẹp. Nguyên nhân có thể là do các túi mỡ dầy hoặc do lớp cơ vòng mi quanh mắt quá phát triển. Tất cả những điều bất thường đó của mắt sẽ được giải quyết bằng kỹ thuật giải phẫu thẩm mỹ, vừa để bảo vệ chức năng thị giác của mắt vừa để trả lại cho cặp mắt vẻ đẹp thẩm mỹ, xứng đáng là cửa sổ tâm hồn. Như vậy mục đích của Giải phẫu Thẩm mỹ tạo hình mắt gồm:
- Tạo cặp mắt hai mí (ở những người có mắt không phải 2 mí)
- Tái tạo lại mí mắt ở người có mắt hai mí nhưng bị bụp mí, dư mỡ, xệ da mi.
- Lấy bỏ túi mỡ, cắt bỏ da dư, làm mất các nếp nhăn (ở mí trên và mí dưới). Khi có quầng thâm ở da quanh ổ mắt, nhất là mí dưới, phải kết hợp với kỹ thuật săn sóc da tại chỗ, để cải thiện tình trạng da cả về màu sắc lẫn chất lượng.
1. Phẫu Thuật tạo hình mi mắt phù hợp với những ai?
- Những người có mắt 1 mí (mà có nhu cầu làm thành 2 mí)
- Những người có mắt có 2 mí rõ ràng, có thêm nếp xếp da thừa làm xấu mắt.
- Những người có mí mắt trên dày bụp, dư mỡ.
- Những người có mí trên dư da, xệ da
- Những người có mí dưới có túi mỡ.
- Những người có mí dưới dư da, có nhiều nếp nhăn.
Chống chỉ định tương đối: Ở người có hố mắt trũng sâu hoặc nhãn cầu có xu hướng lồi nhiều, sẽ khó có mí đẹp sau giải phẫu.
Chống chỉ định tuyệt đối: Người bị mắt một mí hay sụp mí do liệt cơ nâng mi. Trường hợp này cần làm giải phẫu tái tạo cơ nâng mi.
2. Tư vấn để tiến hành phẫu thuật.
- Nhận định tình trạng mí mắt hiện tại trên cơ sở dáng vẻ chung của gương mặt và nhất là đôi mắt.
- Đánh giá chính xác nguyên nhân và mức độ của mí mắt hiện tại (mức độ dư mỡ, dư da).
- Làm tác động thử lên mi mắt để đánh giá chuẩn xác mức độ và chọn giải pháp kỹ thuật thích đáng.
- Lựa chọn đường rạch da tạo nếp mí tốt nhất . Có thể theo đường nếp mí cũ hoặc vẽ đường rạch mới tuỳ theo tình trạng hiện tãi của da mí mắt. Chú ý khoảng cách từ bờ mí tới đường rạch và độ cong của đường rạch vì đây sẽ là đường xếp mí sau này. Bình thường đỉnh của đường nếp mí cách bờ mi 5 -8 mm.
* Chú ý: Phải đáng giá đúng và hình dung được mí mắt sau khi mổ sẽ như thế nào để có được mi mắt hài hòa với đôi mắt, với toàn gương mặt và cũng phải hài hòa với lứa tuổi để giữ được vẻ tự nhiên.
- Bác sĩ giải phẫu phải tính toán chính xác đường rạch và phần da dư cần cắt bỏ, sau đó vẽ lại rõ ràng chính xác trước khi tiến hành giải phẫu.
3. Quy trình thực hiện.
- Bước 1. Gây tê tại chỗ mí mắt.
- Bước 2 Đường rạch da phải chính xác theo đường vẽ trước. Bác sĩ phẫu thuật cần phải có kỹ năng tốt để rạch da chính xác, đều tay (có độ sâu đều từng lớp liền lạc liên tục, không nhát gừng).
+ Với mi trên: Đường rạch da cần tinh tế vì da mi mắt trên chỉ dày 2 mm (là nơi da mỏng nhất của cơ thể). Sau đó lấy bỏ bớt dải tổ chức dưới da, lấy bớt dải cơ vòng mi, bộc lộ các túi mỡ và lấy bớt mỡ dư. Xác định chính xác các túi mỡ. Khi lấy mỡ cần chính xác hợp lý với từng khuôn mặt, không quá ít hay quá nhiều, để sau khi lành có ổ mắt đẹp tự nhiên không bị biến dạng xấu. Tiếp theo cắt dải da dư theo hình vẽ. Khâu vết mổ lại theo thứ tự: Khâu phục hồi vách túi mỡ, sau đó khâu da mí vào với cân trước của bờ sụn mi đẻ tạo nếp mí (trong trường hợp làm mắt 2 mí). Có thể chỉ cần khâu mép da với nhau như thông thường trong trường hợp đã mắt đã có 2 mí.
+ Với mi dưới : Đường rạch sát bờ sụn mi, bóc tách da, bộc lộ túi mỡ, lấy bớt mỡ dư, đo cắt da dư, sau đó may 2 mép da lại .
- Bước 3. Khâu đường cắt mí mắt có thể là khâu mối rời, khâu vắt hay khâu luồn chỉ tuỳ theo trường hợp và tuỳ theo phẫu thuật viên.
- Bước 4. Đính mí mắt: đây là kỹ thuật làm mắt 2 mí bằng cách luồn chỉ để khâu đính tổ chức dưới da của mi mắt trên vào sụn mi mà không can có đường rạch da ở mí mắt như cách cắt mí thông thường. Kỹ thuật này áp dụng cho người trẻ chưa có da dư ở mí mắt, hoặc có thể áp dụng cho người có mi mắt sụp mà da dư ít chưa cần làm giải phẫu cắt bớt da.
- Bước 5. Trường hợp mi mắt dười có túi mỡ dư mà da chưa dư đến mức phải cắt bỏ thì có thể thực hiện lấy bớt mỡ qua đường kết mạc (phía trong mi mắt), tránh được vết sẹo cắt da ở phía ngoài mí dưới.
4. Kết quả
- Có thể băng hay không băng vết mổ.
- Cắt chỉ sau 5 – 7 ngày.
- Thường có sưng nhẹ và sẽ hết trong 3 – 5 ngày.
- Có thể có vết bầm da quanh ở mắt và hết dần sau 1 tuần.
- Nhỏ thuốc đau mắt, để rửa mắt và chống viêm nhiễm.
- Đường sẹo vết cắt sẽ mờ dần sau 3 tháng và hầu như không nhìn thấy.
* chú ý:
- Đây là kỹ thuật nhẹ nhàng, bệnh nhân có thể trở về ngay sau khi giải phẫu và trở lại sinh hoạt bình thường, không cần phải nằm bệnh viện.
- Lưu ý tránh nắng trong 2-3 tháng đầu để sẹo đẹp và mờ dần.
- Không nên mang kính áp tròng (contact lens) trong khi chưa lành để tránh phản ứng kích thích.
- Có thể trang điểm (make-up) sau 1 tuần (khi đã cắt chỉ và vết mổ lành).
- Xin nhắc lại rằng, việc cắt bỏ da dư phải được tính toán bởi những Bác sĩ Giải phẫu có kinh nghiệm thành thạo, để sau khi giải phẫu, không bị thiếu da (mắt trợn) và phải có độ căng da hợp lý để sau khi lành, gương mặt giữ được vẻ tự nhiên hài hòa với lứa tuổi.
- Kỹ thuật này làm tốt cho cả nam giới và nữ giớI
5. Những biến chứng có thể gặp.
- Rụng lông mi: Trong lúc phẫu thuật, nhất là với mí mắt dưới, có thể một số lông mi bị cắt đứt hoặc bị rụng. Sau một thời gian ngắn lộng mi sẽ mọc lại bình thường.
- Nhiễm trùng: Với giải phẫu mí mắt thì hiện tượng nhiễm trùng hậu phẫu cũng rất hiếm gặp, tuy nhiên cũng phải chú ý đảm bảo mọi nguyên tắc chuyên môn để không xảy ra nhiễm trùng để sau khi giải phẫu có được mí mắt đẹp và tránh được những nguy cơ có thể ảnh hưởng có hại cho mắt.
- Sưng bầm: Sau giải phẫu thường có sưng nhẹ, có thể có bầm tím da vùng mắt. Hiện tượng sưng giảm dần và hết sau 3-5 ngày. Vết bầm nếu có sẽ hết hẳn sau 1 tháng.
- Mắt nhắm không kín: Có các trường hợp sau:
- Nếu sau giải phẫu mắt hở như sợi chỉ và nhắm bình thường sau 1-2 tuần thì sau khi lành mắt sẽ căng da rất đẹp. Nếu phẫu thuật xong mà mắt nhắm kín ngay, thì khi lành da mắt vẫn còn dư nhẹ, chưa thật hoàn hảo.
- Nếu sau khi cắt thấy mắt hở nhiều khi nhắm, thậm chí đến 2-3 tháng sau vẫn không nhắm kín được mắt (Lagophthalmos) hoặc sau khi cắt mí dưới mà míi mắt trễ xuống, có thể gần như lật ra ngoài và mắt không nhắm được (Ectropion), thì đòi hỏi phải can thiệp giải quyết để tránh những biến chứng nặng cho mắt sau này.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể do cắt bỏ quá nhiều tổ chức cân cơ và mỡ ở mí mắt hoặc do cắt bỏ da mí quá mức cần thiết.
- Phương pháp giải quyết là phải giải phẫu để ghép vạt da rời, bù vào chỗ da thiếu hụt, để mắt nhắm kín được.
- Nếu cuộc giải phẫu chưa kết thúc mà phát hiện thấy có thể bị hiện tượng mắt nhắm không kín, thì phải ghép ngay miếng da vừa cắt vào chỗ cũ sao cho chắc chắn sau khi lành, mắt nhắm được bình thường.
- Tổn thương ống tuyến lệ: gây hiện tượng chảy nước mắt thường xuyên. Có thể tổn thương ở nhiều mức độ :
- Nếu ống lệ bị chén ép do sưng nề vùng mắt sau giải phẫu, thì sẽ trở lại bình thường khi hết sưng.
- Khi ống lệ bị vặn xoắn co kéo trong quá trình giải phẫu gây ra tổn thương, tắc nghẽn tạm thời thì có thể tự hồi phục hoặc phải tiến hành thông ống lệ để hồi phục chức năng.
- Trường hợp tổn thương gây tắc ống tuyến lệ vĩnh viễn, thì rất hiếm gặp và nếu có thì cách giải quyết hết sức khó khăn và vượt khỏi phạm vi chuyên môn của Giải phẫu Thẩm mỹ.
- Sẹo xấu: Nguyên nhân có thể do quá trình giải phẫu như đường rạch da không đẹp, kỹ thuật may không tốt hoặc giải phẫu tốt nhưng cơ địa da thịt bệnh nhân không thuận lợi cho quá trình lành sẹo. Bệnh nhân cũng phải chú ý giữ gìn thận trọng trong việc chăm sóc vết thương và bảo vệ sẹo khi mới lành, tránh nắng mặt trời và bôi các thuốc chống sẹo lồi, chống thâm.