Da và ánh sáng mặt trời
BS. Phạm Thị Kim Anh (BV. Da Liễu TP.HCM)
Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, ở miền Nam quanh năm, chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng. Mùa nắng kéo dài 6 tháng, với đặc trưng nhiệt độ cao trên 30 độ C ánh nắng luôn chan hòa khắp nơi, ngược lại, mùa mưa với những cơn mưa rào; thỉnh thoảng có lốc xoáy và thường sau khi mưa thì trời nắng trở lại cho nên trong dân gian có câu “Sau cơn mưa trời lại sáng” hoặc như một nhà thơ đã viết: “Hết mưa rồi, nắng hửng lên thôi…”
Ánh nắng mặt trời đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của nhân loại. Nắng đem lại sự sống cho muôn loài, làm cho cây cối xanh tốt, đơm hoa kết trái. Về mặt sức khỏe, ánh nắng mặt trời còn tiêu diệt nhiều mầm bệnh, vi trùng gây bệnh có trong không khí như vi trùng lao… giúp loài người chúng ta có thể phòng tránh được nhiều bệnh tật nguy hiểm. Hơn nữa, nhờ tác động của ánh nắng mặt trời mà trên chất vitamin D nằm dưới da trở thành vitamin D giúp chúng ta phòng tránh được bệnh còi xương.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của ánh nắng mặt trời đối với sức khỏe, việc tiếp xúc quá thường xuyên và trực tiếp với ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến một số ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe đặc biệt là đối với làn da.
Trong bài này chúng ta cùng tìm hiểu thêm những tác động của ánh nắng mặt trời đối với làn da để từ đó có thể biết cách để khai thác những tác động có lợi và hạn chế những tác động bất lợi của ánh sáng mặt trời đối với sức khỏe và làn da.
Da được ví như chiếc áo của cơ thể mỗi người. Da bao bọc các cơ quan bộ phận bên trong đồng thời phản ánh những tình trạng bệnh tật của cơ thể đối với môi trường sống. Da còn có nhiệm vụ như một cơ quan giải độc cho cơ thể bằng sự tiết mồ hôi, đồng thời chuyển hóa tiếp nhận nguồn dinh dưỡng cho cơ thể. Do đó một diện tích rộng luôn được tiếp xúc, đón nhận ánh sáng mặt trời cho nên da cũng chịu ảnh hưởng tác động rất nhiều của ánh nắng mặt trời.
Cụ thể ánh nắng mặt trời có tác dụng gì ?
1. Tác dụng có lợi là tia nắng giúp chúng ta tránh được bệnh còi xương: đó là nhờ tia U.V.B có trong ánh sáng mặt trời, giúp tổng hợp chất F.dehydro cholesterol có trong thức ăn, sự tổng hợp này xảy ra ở phần sâu của thượng bì để chuyển hóa F.dehydrocholestorol thành vitamin P3 giúp phát triển xương.
Ở trẻ em được nuôi kỹ trong nhà, thiếu ánh sáng mặt trời sẽ bị bệnh thiếu vitamin D gây ra những rối loạn phát triển xương dẫn đến bệnh còi xương. Tuy nhiên cần lưu ý là do việc tổng hợp vitamin P3 xảy ra ở phần sâu của thượng bì dưới tác dụng của tia UVB cho nên bệnh còi xương có thể xảy ra cả ở những trẻ được phơi dưới ánh sáng mặt trời nhưng không được phơi trực tiếp mà phơi ở phía sau một tấm kính.
2. Tác dụng không có lợi là ánh nắng mặt trời có khả năng gây một số biến đổi trên da như:
- Tạo ra hồng ban trên da
- Tạo ra sắc tố chậm làm nâu da
- Làm tăng sự sinh sản các tế bào sừng của da
- Ánh nắng mặt trời có tác dụng làm lão hóa da.
a. Tạo ra hồng ban trên da: Sau khi phơi nắng da chúng ta sẽ xuất hiện hồng ban hay còn gọi là hiện tượng đỏ da. Mức độ đỏ da tùy thuộc vào thời gian và cường độ phơi bày da dưới ánh nắng. Người ta chia ra 4 độ đỏ da, có độ nặng tăng dần từ:
- Hồng ban có màu hồng
- Hồng ban màu đỏ tươi
- Hồng ban tím, phù nề, đau.
- Tróc da, tạo phỏng nước.
Ở mức độ c và d được xem như tình trạng phỏng da do ánh sáng mặt trời.
b. Tạo ra sắc tố chậm làm nâu da:
Sự nâu da bắt đầu từ 2 ngày sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tác dụng tối đa vào khoảng ngày thứ 20. Nâu da sẽ biến mất dần nếu sau đó không phơi nắng lại. Nâu da là tình trạng xạm da, màu đồng do tăng sức chứa hắc tố melanine trong da. Sự tạo sắc tố này là do một phản ứng đáp ứng của da đối với sự phơi bày trực tiếp của da dưới ánh sáng mặt trời.
c. Ánh nắng mặt trời làm tăng sự sinh sản các tế bào sừng của da :
Tia UVB trong ánh áng mặt trời có vai trò làm gia tăng sự sinh sản của các tế bào sừng. Điều này làm dày lớp thượng bì của da đặc biệt là lớp sừng. Đây là một cơ chế thích ứng với ánh sáng mặt trời của da.
Ở người bị mụn trứng cá, hiện tượng tăng sừng này rất tai hại vì nó làm tăng thêm sự ứ đọng chất bã, làm tăng các cồi mụn và làm xuất hiện những sang thương viêm nhiều hơn vài tuần sau khi phơi nắng.
d. Ánh nắng mặt trời có tác dụng làm lão hóa da :
Dưới tác động kéo dài, do tác dụng cộng và hiệp đồng của tia UVA làm tia UVB trong ánh nắg mặt trời làm cho da mau bị lão hóa.
3. Ánh nắng mặt trời có thể gây một số bệnh cho da:
3.1. Do tác dụng sinh ung của ánh sáng nên ANMT có thể gây ung thư da. Tác dụng sinh ung của ánh sáng đối với ung thư tế bào đáy và ung thư tế bào gai là một hiện tượng tích lũy của ANMT trên da.
- ANMT có thể gây ra u hắc tố ác tính: đối với bệnh này, tác dụng sinh ung của ánh sáng mặt trời dường như không phải là tác dụng tích lũy mà có liên quan đến sự phơi bày ánh sáng đột ngột và dữ dội ở thời thơ ấu.
3.2. Ánh nắng mặt trời có thể làm khởi phát hay làm nặng thêm những bệnh da do ánh sáng:
Sự phơi bày da dưới ánh sáng, do tác dụng của tia UVB có thể làm khởi phát một số bệnh như sau:
. Bệnh da nhạy cảm với ánh sáng do thuốc bôi tại chỗ hay toàn thân. Các thuốc có thể gây nên như: tsetinrine, pehoxydede bcajoyl, amitriptyline, vinblastine.
. Vài bệnh da do nhạy cảm ánh sáng như: đợt tái phát của bệnh hekpes môi, bệnh mụn trứng cá, bệnh trứng cá đỏ, xạm da, lipis v.v…
Qua phần trình bày trên chúng ta nhận thấy ánh sáng mặt trời có tác dụng hai mặt đối với sức khỏe chúng ta. Ánh nắng giúp chúng ta chống chọi lại bệnh tật nhưng cũng lại gây bệnh trên da của chúng ta nếu chúng ta không biết bảo vệ và phòng ngừa. Vậy chúng ta cần làm gì để có thể tận dụng được tác dụng có lợi và hạn chế được ảnh hưởng xấu của ANMT.
Để tránh bệnh còi xương, đặc biệt là ở trẻ em, các bà mẹ nên cho con mình phơi nắng mỗi ngày khoảng 10 phút trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Giờ phơi nắng lý tưởng là vào lúc từ 7-8 giờ sáng.
Ngoài ra, để bảo vệ cho da không bị những tác hại do nắng gây ra, khi phải đi nắng chúng ta nên đội nón mũ, mang găng tay, che mặt. Để bảo vệ da tránh lão hóa sớm ta nên dùng kem chống nắng thoa da 30 phút trước khi đi nắng. Kem chống nắng sẽ giúp chúng ta được bảo vệ tốt đối với những tia cực tím độc hại có trong ánh sáng mặt trời, đặc biệt khi tắm biển, hoặc khi phơi nắng trên bãi biển chúng ta cũng nên và phải làm là thoa một lớp kem chống nắng lên da của mình để tránh những tác dụng không mong muốn lên cơ thể của chúng ta. Nếu thực hiện được tốt những điều này chúng ta sẽ có một làn da khỏe mạnh và tươi trẻ dài lâu.
(Theo MEDINET)