Ứng dụng tế bào gốc trong y học - Cần vai trò của nhà nước
Từ lâu, cấy ghép tế bào gốc đã được y học thế giới lựa chọn như là liệu pháp hữu hiệu để chữa khỏi một số căn bệnh mạn tính, hiểm nghèo liên quan đến máu, tủy, xương khớp… Tại Việt Nam, ngay từ thập niên 90, một số bác sĩ tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM đã tiên phong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chữa bệnh mới này. Tuy vậy, vào thời điểm hiện tại, những thành công có được vẫn xuất phát từ sự nỗ lực của một vài bệnh viện, nhóm nghiên cứu. Vì sao?
Ở Việt Nam các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc xuất hiện sớm nhất là trong lĩnh vực huyết học - truyền máu. Ngay từ năm 1995, dưới sự chủ trì của PGS Trần Văn Bé, nhóm các cán bộ khoa học tại Trung tâm Truyền máu - Huyết học (nay là Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM) đã ghép tế bào gốc tủy xương cho một bệnh nhân 26 tuổi bị ung thư máu. Cho đến nay, sau 18 năm, bệnh nhân vẫn sống hoàn toàn khỏe mạnh, đã có vợ và hai con. Để có được ca ghép thành công đầu tiên đó, các bác sĩ phải mất gần 3 năm đi học lỏm công nghệ từ Tây sang Đông. “Dưới sự tài trợ của một hãng dược tư nhân tại Pháp, chúng tôi lặn lội sang Anh, Đức, Pháp… để tìm hiểu kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc chữa bệnh. Quả thật, trình độ y học của các quốc gia này quá phát triển. Từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư đến các tiêu chuẩn về vô trùng… đều vượt xa chúng ta hàng trăm lần. Còn nhớ, một đồng nghiệp người Pháp còn cam đoan, sẽ mất 10.000USD nếu 10 năm sau, Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ cấy ghép tế bào gốc chữa bệnh”, PGS Trần Văn Bé nhớ lại.
Lưu giữ tế báo gốc máu cuống rốn tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM. |
Ấy vậy mà, sau khi rời châu Âu, chuyển hướng trở về tham khảo kỹ thuật của các nước và vùng lãnh thổ châu Á như Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc), PGS Trần Văn Bé cùng các bác sĩ tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM khẳng định, chỉ cần vài năm, họ sẽ sử dụng kỹ thuật đó chữa lành bệnh trên bệnh nhân Việt Nam. Và từ niềm tin tuyệt đối đó, gần 10 năm sau, đã có 120 ca ung thư máu, thiếu máu di truyền được ghép tế bào gốc và lành bệnh; một ngân hàng tế bào gốc dây cuống rốn được thành lập, có khả năng lưu trữ đến hơn 2.000 mẫu.
Đến nay, ngoài Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, các đơn vị khác là Bệnh viện Quân y 108 cũng đã phối hợp với Bệnh viện Việt Đức sử dụng tế bào gốc tự thân điều trị các bệnh lý xương, khớp khó hồi phục cho 277 bệnh nhân. Bệnh viện Trung ương Huế áp dụng tế bào gốc điều trị cho bệnh nhân tiêu chỏm xương đùi được 6 bệnh nhân, đang hướng tới điều trị cho bệnh nhân ung thư vú, buồng trứng, nhồi máu cơ tim…
Vẫn mạnh ai nấy làm
Kết quả khả quan là vậy. Và dù theo báo cáo của Ban điều phối về chương trình tế bào gốc quốc gia, từ giai đoạn 2006 - 2007 đến nay, Việt Nam đã hình thành hàng chục nhóm nghiên cứu (tại TPHCM hiện đang có 13 nhóm có những hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học), đề xuất gần 20 đề tài cấp nhà nước, hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp bộ và tỉnh, thành… Nhưng, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho rằng các kết quả nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc để chữa bệnh tại Việt Nam phần lớn vẫn xuất phát từ nỗ lực của chính các bệnh viện, hoặc một vài trung tâm nghiên cứu. Ngay khâu biệt hóa tế bào gốc thành một số loại tế bào như tế bào giống cơ tim, tế bào giống tế bào thần kinh, tế bào da, xương, sụn, mỡ... cũng còn khiêm tốn. Một số nghiên cứu biệt hóa tế bào gốc khác đôi khi là quá trình mò mẫm dò tìm. Điểm mấu chốt vẫn do các đơn vị chưa hợp tác chia sẻ thế mạnh của mình.
Cụ thể hơn, GS-TS Trương Đình Kiệt, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM, dẫn chứng, những đơn vị như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Vạn Hạnh… bước đầu đã có hợp tác trong quy trình sử dụng tế bào gốc nhưng còn khá mờ nhạt. Đáng lo hơn, có cảm giác các đơn vị ứng dụng tế bào gốc cũng muốn hình thành các trung tâm chuyên luôn công việc nghiên cứu và sản xuất. Kết quả, vừa đầu tư kinh phí lớn, vừa hao nhân lực mà các sản phẩm có được chưa chắc đã đạt được kết quả tốt.
Từ đó, GS-TS Trương Đình Kiệt cho rằng, giải pháp trước mắt cho vấn đề này là liên kết các nhóm nghiên cứu để tìm nhu cầu chung trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc. Kế đó, phải đầu tư mạnh mẽ để phát triển từng đơn vị có chức năng chuyên sâu. Ngoài bệnh viện là đơn vị ứng dụng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào khâu sản xuất các chế phẩm tế bào gốc. Nhường công tác nghiên cứu cơ bản, biệt hóa, nuôi cấy lại cho các trung tâm, viện, trường. Tuy nhiên, suy cho cùng, để điều phối nhiệm vụ rõ ràng như vậy, nhà nước phải nắm vai trò đầu tàu. Bởi nếu tiếp tục để từng nơi tự đầu tư theo ý muốn như hiện nay, khả năng chúng ta có được những kết quả tiên phong trong lĩnh vực này sẽ khó thành hiện thực.
TƯỜNG HÂN
|